Phát hiện sớm và chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng
Ngày đăng: 20/05/2021

Tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh từ đầu tháng đến nay có gần 40 trẻ nhập viện vì bị tay chân miệng, trong đó nhiều trẻ nhập viện muộn khi đã có biến chứng của bệnh.

Chị Đinh Thị Them, ở huyện Sơn Hà có con nhập viện tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh chia sẻ: “Con bị sốt đến ngày thứ 3 nhưng vì nghĩ rằng con sốt mọc răng nên chủ quan không đưa đến bệnh viện. Đến khi con có triệu chứng co giật mới chuyển đến Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cấp cứu”. Tại đây, con chị Thêm được bác sĩ chẩn đoán bị tay chân miệng mức độ nặng, có thể xảy ra biến chứng lên não, tim nếu không điều trị kịp thời.

Những năm gần đây, bệnh tay chân miệng đã trở thành bệnh lưu hành quanh năm, tuy nhiên số ca mắc bệnh thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12.  Sau đợt bùng phát vào mùa thu năm trước, thời điểm này bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng trở lại.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Tay chân miệng là một bệnh rất dễ lây, nhưng lại rất khó phòng vì chưa có vắc xin phòng bệnh chủ động. Biểu hiện đặc trưng của bệnh tay chân miệng là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng, đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ. 

Biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh là loét miệng, vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, trẻ thường chảy nước miếng liên tục. Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 - 38oC… 

Khi trẻ có những dấu hiệu trên cần đến khám ngay tại bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị. Có những trẻ bị sốt cao trên 39oC liên tục, đây là một trong những dấu hiệu gợi ý cần nhập viện điều trị. 

Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch, Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết: Chăm sóc trẻ bố mẹ phải để ý trẻ sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ, ngủ giật mình hay run tay, run chân, quấy khóc, cử rử, đi loạng choạng hoặc không chịu chơi, sốt liên tục không hạ, trường hợp này phải đưa trẻ đi nhập viện. Phụ huynh cần phải theo dõi kĩ và đưa đi điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nặng của bệnh như: Viêm cơ tiêm, phù phổi, tổn thương hệ thần kinh…”

Với chế độ ăn, nên cho bé ăn đồ lỏng, dễ tiêu, có thể để vô ngăn mát để trẻ đỡ bị kích thích miệng, ăn dễ chịu hơn. Vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ. Nên cho trẻ nghỉ học ít nhất là 10 ngày để tránh lây lan. Xử lý chế phẩm thải của em như dịch nôn, phân sạch sẽ, tránh lây lan bệnh cho trẻ khác.

Để tránh lây lan bệnh tay chân miệng, khi chăm sóc trẻ tại nhà, phụ huynh cần: Vệ sinh sạch sẽ nơi ở của trẻ, tẩy trùng các vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc bằng Cloramin B. Quần áo của trẻ nên ngâm trong nước nóng và phơi nắng sau khi giặt. Dùng riêng chén, ly, muỗng…. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi thay tã, quần áo và làm vệ sinh cho trẻ./.

B.M

 

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555