Phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn HP
Ngày đăng: 26/07/2021

Tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh, kể từ khi kĩ thuật Nội soi thực quản dạ dày tá tràng được triển khai từ tháng 8.2019 đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 20 trẻ bị viêm dạ dày được chỉ định nội soi, qua đó phát hiện có gần 40% là do vi khuẩn HP.

Helicobacter pylori (H.Pylori). Đây là loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và sống trong đường tiêu hóa, nhiều nhất ở hang vị dạ dày. H.Pylori có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa như ăn uống. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn HP do chưa biết vệ sinh trong ăn uống, kèm theo thói quen ăn uống chung với người lớn cũng làm cho nguy cơ bị lây nhiễm từ người lớn cao hơn. Trong khi đó, triệu chứng của bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ lại không điển hình như ở người lớn, một số trường hợp khó phát hiện hoặc nhầm thành bệnh tiêu hóa thông thường.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lệ, phụ trách Khoa nhi Tiêu hóa, Bệnh viện Sản nhi tỉnh, cho biết rõ hơn về biểu hiện của bệnh: biểu hiện hay gặp như đau bụng kéo dài, đau ở vị trí dạ dày như đau thượng vị, đau liên quan tới bữa ăn, ăn uống kém, sụt cân không rõ nguyên nhân. Rõ ràng hơn sẽ có những bé có triệu chứng như nôn ra máu, đi cầu ra máu lượng nhiều, đi cầu phân màu đen, tùy từng bé. Hoặc em bé có tình trạng thiếu máu mà điều trị bình thường không đỡ thì cũng có thể do viêm loét dạ dày tá tràng gây ra.

Bệnh nhân nhi Nguyễn Anh Quân, 12 tuổi, ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa bị viêm loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn HP đang được điều trị tại Khoa nhi Tiêu hóa, Bệnh viện Sản nhi tỉnh. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu và đi cầu phân đen. Bệnh nhân được truyền dịch và truyền máu, đến ngày thứ 5 khi các chỉ số ổn định thì được chỉ định nội soi dạ dày. Kết quả phát hiện một ổ loét lớn ở thành tá tràng, gây biến dạng tá tràng. Trường hợp này nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm. Chị Phan Thị Nhân, mẹ bệnh nhân nhi Nguyễn Anh Quân, cho biết: con mình bị đau vùng bụng, hễ đau là mua thuốc uống, uống xong thì đỡ. Miết thời gian cả tháng không bị nữa nhưng sau này lại bị. Bị là nôn ra máu luôn, rồi đi cầu ra phân đen, lỏng, chị cho nhập viện rồi đi nội soi.

Trẻ đang được bác sĩ thực hiện nội soi gây mê để kiểm tra HP và viêm loét dạ dày

Nhiễm vi khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em. Nhiều trường hợp do không được phát hiện, điều trị kịp thời đã dẫn đến bị xuất huyết tiêu hóa nặng, bị thủng ruột. Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện đau bụng nhiều lần, khó chịu ở đường tiêu hóa thì tốt nhất phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ có chỉ định nội soi và làm các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Dựa vào kết quả đó, sẽ đưa ra phác đồ và đơn thuốc điều trị thích hợp.

Tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh, kể từ khi kĩ thuật Nội soi thực quản dạ dày tá tràng được triển khai từ tháng 8.2019, đến nay, đã giúp nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn HP được phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh. Trong số 20 ca bị viêm dạ dày được chỉ định nội soi hàng tháng thì phát hiện có gần 40% là do vi khuẩn HP.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lệ, phụ trách Khoa nhi Tiêu hóa, Bệnh viện Sản nhi tỉnh, cho biết: thời gian gần đây do mình tiến hành nội soi được nên tỉ lệ trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng do HP hay gặp hơn, phát hiện tốt hơn. Trước đây mọi người hay đi test hơi thở và xét nghiệm máu để kiểm tra HP từ đó điều trị thì không đúng với phác đồ điều trị. Phác đồ điều trị bắt buộc nếu trẻ có chỉ định làm nội soi mới có chỉ định làm HP, nếu khám không chỉ định làm nội soi thì không làm HP. Khi nội soi xong sẽ làm tiếp 2 xét nghiệm riêng biệt, nếu cả 2 xét nghiệm đều dương tính thì em bé sẽ được điều trị tiệt trừ HP.

Viêm loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn HP thường gặp nhiều ở người lớn. Tuy nhiên, gần đây thì tỉ lệ trẻ em mắc bệnh lí này cũng đang gia tăng. Ở Quảng Ngãi, phần lớn bệnh nhân nhi rơi vào độ tuổi từ 7 đến 16 tuổi. Để phòng bệnh, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu. Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày, tá tràng do HP thì bát, đũa, cốc, chén không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch. Không mớm thức ăn, không ôm hôn trẻ. Ngoài ra, chú ý cho trẻ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống hàng ngày, nâng cao sức đề kháng cho trẻ./.

B.M

 

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555