Cấp cứu thành công bé trai 9 tuổi bị tắc ruột vì “ăn” vải mền
Ngày đăng: 04/03/2021

Bệnh nhi Hồ Gia Viễn, 9 tuổi, ở huyện Trà Bồng nhập viện trong trạng thái đau bụng từng cơn, nôn ói , bụng chướng. Trước đó, bệnh nhi đã nhập viện tại Trung tâm y tế huyện nhưng không giảm triệu chứng nên được chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.

Ông Hồ Văn Tô,46 tuổi, cha bệnh nhi Viễn cho biết khoảng 1 năm lại đây bệnh nhi hay thích cắn rách, nhai và nuốt vải mền, quần áo. Đã nhiều lần bị đau bụng, tiêu chảy nhưng tự khỏi nên cho rằng không sao, cho đến gần đây bụng bệnh nhi có dấu hiệu chướng, căng cứng nhiều ngày, đau bụng dữ dội nên nhập viện.

Tại Khoa Ngoại, qua thăm khám, siêu âm ổ bụng và chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện có dị vật ở đường ruột dẫn đến tắc ruột cần tiến hành phẫu thuật gấp.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra được một đoạn vải mền dài 50 cm nằm trong túi ruột của bệnh nhi, là nguyên nhân dẫn đến tắc ruột.

Ekip mổ Khoa Ngoại thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi Viễn
Đoạn vải được lấy ra từ ruột của bệnh nhi

Theo bác sĩ Phạm Xuân Duy, Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh: “Bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng tắc ruột nhiều ngày, nếu không kịp thời mổ dị vật sẽ gây thủng ruột, nhiễm trùng ổ bụng nặng, bệnh nhân có thể tử vong. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân sau mổ đã dần ổn định và đang được chăm sóc theo dõi tại Khoa hồi sức tích cực.

Bệnh nhi được chăm sóc, theo dõi hậu phẫu tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc

Cũng theo bác sĩ Duy bệnh nhi mắc phải hội chứng Pica, hay còn gọi là hội chứng ăn bậy. Những bé mắc chứng ăn bậy thường xuyên thèm và ăn các đồ vật không phải thức ăn như:  keo dán, tóc, nút quần áo, giấy, vải , đất sét…người mắc hội chứng này sẽ có các biểu hiện như: đau bụng, nôn ói, hay đi phân máu…. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tắc ruột, tổn thương dạ dày do thức ăn không tiêu hóa được

Để hạn chế trẻ mắc phải hội chứng này, phụ huynh có thể chủ động dạy trẻ những chất an toàn có thể ăn được, đặt những đồ vật không phải thức ăn mà trẻ muốn ăn vào trong tủ có khóa hoặc để ở nơi ngoài tầm tay của trẻ. Đồng thời, cung cấp cho trẻ một chế độ ăn cân bằng. Khi phát hiện trẻ trên 24 tháng có hành vi ăn những thứ không phải thức ăn thông thường dù đã ngăn cản nhưng không được thì nên cho trẻ đi khám để điều trị kịp thời./.

 B.M

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555