Điều trị sa tạng chậu bằng vòng nâng âm đạo
Ngày đăng: 22/07/2022

Sa tạng chậu là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ sau 50 tuổi. Bệnh không chỉ khiến người bệnh phải chịu tổn thương về sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng về mặt tâm lý. Hiện nay vòng nâng âm đạo được xem là lựa chọn đầu trong điều trị sa tạng chậu (tỷ lệ thành công khoảng 87-98%). Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã triển khai dịch vụ này để phục vụ cho người bệnh.

Sa tạng chậu là gì?

Các cơ quan vùng chậu bao gồm âm đạo, tử cung, bàng quang, niệu đạo và trực tràng. Những bộ phận cơ thể này được giữ cố định bằng hệ thống cân cơ, dây chằng và các tổ chức liên kết của sàn chậu.

Sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí giải phẫu bình thường qua âm đạo hoặc hậu môn như: sa bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu, gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu, đại tiện. Khối sa lâu ngày có thể gây trằn nặng, loét âm đạo, bí tiêu tiểu, đau và ứ nước thận...Khi xuất hiện những triệu chứng trên, người bệnh nên khám Phụ khoa và thông báo cho bác sĩ để điều trị kịp thời.

Điều trị bằng vòng nâng âm đạo

Vòng nâng âm đạo là một loại dụng cụ được đưa vào trong âm đạo nhằm nâng đỡ tử cung và các cơ quan khác vùng chậu như bàng quang, trực tràng. Hiện nay vòng nâng âm đạo được xem là lựa chọn đầu tay trong điều trị sa tạng chậu, chiếm tỷ lệ thành công khoảng 87-98%.

Các loại vòng nâng được làm bằng chất liệu silicone có ưu điểm là không gây kích ứng, giảm tiết dịch, mùi, ít nhiễm trùng và có độ bền cao. Có 20 loại vòng nâng với các kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn một loại vòng nâng phù hợp cho bệnh nhân.

Đặt vòng nâng âm đạo là một biện pháp an toàn, không xấm lấn. Các biến chứng đa phần là nhẹ, có thể điều trị được. Biến chứng thường gặp: tăng tiết dịch âm đạo, viêm trợt niêm mạc gây xuất huyết, ngứa kích ứng tại chỗ...Sau khi đặt vòng thành công, bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám sau 1 tháng. Khi tái khám bác sĩ sẽ kiểm tra lại vị trí đặt vòng nâng, các biến chứng khi đặt vòng và hiệu quả điều trị. Ngoài ra bác sĩ cũng hướng dẫn cho bà các phương pháp vật lý trị liệu bổ sung để tăng hiệu quả điều trị. Vòng nâng không ảnh hưởng lên chức năng tình dục và hoàn toàn có thể quan hệ trong thời gian đặt vòng. Tuy nhiên, tất cả các loại vòng nâng đều không có tác dụng ngừa thai.

 Hiện nay Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh có dịch vụ đặt vòng nâng âm đạo tại khoa Phụ. Người bệnh có nhu cầu có thể đến khám để được bác sĩ tư vấn đặt vòng nâng phù hợp.

Phòng ngừa sa tạng chậu

Để chăm sóc tốt sức khỏe sàn chậu, cũng như phát hiện bệnh sớm và có hướng can thiệp điều trị kịp thời, khuyến cáo chị em phụ nữ nên:

  • Thăm khám sức khỏe phụ khoa, đặc biệt là khám sàn chậu định kỳ 6 tháng/lần. Trường hợp điều trị bệnh cần tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi tiến triển bệnh, góp phần điều trị hiệu quả và chăm sóc tốt nhất.
  • Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng sai liều lượng được chỉ định.
  • Thực hiện đúng cách các bài tập phục hồi sàn chậu theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là ăn nhiều rau củ quả, bổ sung chất xơ, uống nhiều nước để ngăn ngừa chứng táo bón. Chọn thực phẩm có chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón và căng thẳng khi đi tiêu. Ngăn ngừa táo bón có thể làm giảm nguy cơ mắc một số rối loạn sàn chậu.
  • Có lối sống sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc lá vì có thể gây ra chứng ho mạn tính gây căng thẳng cho cơ sàn chậu.
  • Duy trì mức cân nặng cân đối, phù hợp, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh.
  • Duy trì cân nặng hợp lý hoặc giảm cân (nếu bạn thừa cân): Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng mắc các vấn đề về sàn chậu.

B.Minh

 

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555