THIÊN THẦN KIỆT SỨC
Ngày đăng: 10/09/2021

Chúng ta có quá nhiều ảo tưởng về nghề bác sĩ nói riêng và nhân lực Y tế nói chung khi gọi họ là 'thiên thần áo trắng'.

Tôi theo dõi những sự kiện tiêu cực trong ngành Y suốt nhiều năm qua và tự hỏi: tại sao bác sĩ luôn là "miếng mồi ngon" cho dư luận? Giờ thì tôi đã có câu trả lời. Đó là vì chúng ta có quá nhiều ảo tưởng về nghệ bác sĩ nói riêng và nhân lực ngành Y nói chung. Ta cứ ghim mãi hình ảnh họ là thiên thần áo trắng. Nhưng thực tế, bác sĩ cũng là người.

  1. Bác sĩ cũng cần tiền

Giống như tất cả các ngành nghề khác, y bác sĩ cũng có hàng tá hóa đơn phải trả mỗi tháng, cũng phải ăn uống, chi tiêu như bao người. Thậm chí, tiền đối với họ là cả một gánh nặng. Học viên lớp tiếng Pháp của tôi hầu hết là sinh viên Y khoa, các bạn đều giản dị và tiết kiệm vì một lý do chung: " Em làm gì có tiền đâu cô".

Trường Đại học nào cũng đầy những mệt mỏi, nhưng chắc chắn không thể thấm vào đâu với trường Y. Sinh viên Y khoa vốn chỉ có hai mùa: mùa ôn thi và mùa thi. Thời gian đâu để họ đi làm thêm kiếm tiền? Gần hết thanh xuân đã gửi lại nơi giảng đường, thư viện và những phòng bệnh, nhưng để ra nghề và có một công việc tốt, các bạn vẫn phải tiếp tục học lên cao hơn nữa. Và rất lâu sau đó nữa, họ mới may mắn có những đồng lương xứng đáng.

Rồi họ cũng sẽ có con nhỏ, có bố mẹ già, có những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nên không thể có chuyện y bác sĩ không màng vật chất.

  1. Sức chịu đựng có hạn

Bác sĩ không thể lúc nào cũng dịu dàng và nhẹ nhàng trong lời ăn tiếng nói lẫn hành vi. Khi trưởng thành, ai cũng phải chịu những áp lực đồng thời của công việc và cuộc sống cá nhân. Nhưng những thứ đè lên đôi vai của các y bác sĩ thường lớn hơn nhiều những ngành nghề khác. Thời gian bên gia đình ít ỏi, công việc căng thẳng, cường độ cao và đòi hỏi học tập không ngừng... khiến họ luôn phải gồng mình mỗi ngày.

Khi đi làm, họ cần xử lý những tình huống khẩn cấp lẫn oái oăm. Bác sĩ, nhân viên y tế phải tiếp xúc với hàng trăm người mỗi ngày, từ kẻ nhà giàu kệch cỡm đến người ít học, từ thanh niên ngơ ngác đến cụ già lãng tai... Nhưng trong số đó, người lịch sự, hiểu biết và nhã nhặn được bao nhiêu? Trong khi kẻ thiếu kiên nhẫn, hung dữ lẫn vô học lại quá nhiều.

Có lần, tôi đi khám thai ở Bệnh viện sản Trung ương, ngồi nhìn các cô, các bà nói chuyện oang oang, gác chân lên ghế. Y tá gọi bao nhiêu lần, họ vẫn không chịu vào khám. Nhiều người không tôn trọng y bác sĩ nhưng lại luôn bắt người ta phải một dạ, hai thưa và phải mỉm cười với mình. Thật khó hiểu!

  1. Bác sĩ không bất tử

Khắc sâu lời thề Hippocrates và chữ "tâm" của nghề, y bác sĩ vẫn làm việc bao năm qua mà đâu cần ca ngợi. Nhưng suốt hai năm chao đảo vì đại dịch, cũng là ngần ấy thời gian các bác sĩ, y tá phải vắt kiệt sức mình. Họ có sợ chết không? Có chứ! Nhưng họ có trốn việc hay đình công không? Tôi nghĩ là không, hoặc chỉ một số rất ít người làm vậy.

Hy sinh bản thân để chữa bệnh cứu người, nhưng rồi bác sĩ cũng sẽ phải ra đi như mọi kiếp người. Và trong đại dịch, ngành Y đã có những mất mát hy sinh. Tuy vậy, Giám đốc những bệnh viện lớn hay Hiệu trưởng các trường Y khoa... vẫn nén đau thương, gửi những đồng nghiệp và sinh viên của họ đi khắp những vùng dịch, vì mục đích cao cả với nghề.

Ở tuyến đầu, các y bác sĩ, sinh viên Y khoa phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn. Vẫn là họ, cũng lại ở tuyến cuối cùng, nơi có những tiếng kêu than và người tử vong bủa vây. Thử hỏi, trong điều kiện làm việc như vậy, điều gì thúc đẩy họ bám trụ với công việc? Đó là trách nhiệm và lòng trắc ẩn – thứ tồn tại ở một con người. Tuyệt đối không phải dựa vào vài lời tung hô hay khen ngợi sáo rỗng mà có.

Vì bác sĩ cũng là người, nên tôi mong chúng ta hãy đối xử đúng cách với họ. Đừng trông chờ sự thánh thiện không tì vết, đừng đợi những nụ cười công nghiệp hay sức lực vô biên của họ để phục vụ chúng ta.

Ai cũng cần đóng góp chút gì đó để chống dịch, đâu chỉ có ngành Y.

Hy vọng rằng, qua đại dịch, mỗi người đều ý thức rõ hơn về vai trò của ngành Y, thông cảm và trân trọng hơn những bác sĩ và nhân viên y tế. Mong rằng họ sẽ được đãi ngộ xứng đáng và được nhìn nhận như một người bình thường.

Là người, họ được làm việc bằng cái tâm và cái tầm của mình, được bao dung và tôn trọng. Thay vì hoàn cảnh cũ: "Ba năm xây chùa không ai biết, một viên gạch vỡ cả làng hay"...

ThS Truyền thông Triệu Nguyễn Huyền Trang

 

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555