Quan tâm đến trẻ em dậy thì sớm
Ngày đăng: 05/07/2024

Con gái mới 7 tuổi nhưng đã nặng hơn 30kg và cao 1,35m. Khi thấy ngực con lớn dần, chị M, ở huyện Bình Sơn, không nghĩ con đã dậy thì sớm, mà chỉ cho rằng đó là dấu hiệu bình thường ở trẻ thừa cân. Đến khi con có kinh nguyệt, chị M mới nhận ra con mình đã dậy thì sớm và nhanh chóng đưa con đi khám tại BVSN tỉnh. Tại đây, sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ kết luận bé đã dậy thì sớm.

Bác sĩ Trần Thị Yến Loan, Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) tư vấn chế độ ăn uống giúp phòng ngừa dậy thì sớm cho trẻ. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Theo bác sĩ Trần Thị Yến Loan - Khoa Dinh dưỡng (BVSN tỉnh), bé gái dậy thì trước 8 tuổi, bé trai dậy thì trước 9 tuổi được xác định là dậy thì sớm. Những năm gần đây, số lượng trẻ em dậy thì sớm đến bệnh viện thăm khám ngày càng tăng. Trong đó, tình trạng này ở bé gái phổ biến hơn bé trai. Những dấu hiệu dậy thì ở trẻ em không quá khó để nhận biết. Đối với bé gái, các cháu thường phát triển ngực, có lông mu, lông nách và xuất hiện kinh nguyệt. Đối với bé trai, tinh hoàn phát triển nhiều, mặt có mụn. Tuy nhiên, do độ tuổi dậy thì của trẻ ngày càng nhỏ dần, nhiều phụ huynh không chú ý.

Chị T, ở huyện Tư Nghĩa, đã cho con gái điều trị dậy thì sớm tại BVSN tỉnh suốt 2 năm qua. Tại BVSN tỉnh, bé Đ - con gái chị T được điều trị nội khoa để ức chế quá trình dậy thì sớm. "Con gái mới 8 tuổi đã dậy thì. Tôi lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển chiều cao của con. Vì vậy, tôi đã nhanh chóng đưa con đi khám. Tại BVSN tỉnh, con tôi được tiêm thuốc để trì hoãn quá trình này, còn tôi được các bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con", chị T chia sẻ.

Theo bác sĩ Trần Thị Yến Loan, trẻ dậy thì sớm thường cảm thấy ngại ngùng và bất an vì những thay đổi của cơ thể. Cùng với đó, trẻ dậy thì sớm thường phát triển nhanh về chiều cao nhưng sau đó sẽ tăng chậm lại và thấp hơn các bạn cùng lứa tuổi, thậm chí không đạt được chiều cao tối đa của người trưởng thành. Do đó, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về tình trạng này để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, cần đưa con đi thăm khám kịp thời để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.

Ăn uống hợp lý để ngăn ngừa dậy thì sớm

Bác sĩ Trần Thị Yến Loan khuyến cáo, để ngăn ngừa và trì hoãn quá trình dậy thì sớm ở trẻ, phụ huynh cần chú ý đến chế độ ăn uống. Cần ăn uống hợp lý với lượng calo vừa đủ, tránh thừa cân, béo phì. Giảm tiêu thụ thực phẩm và đồ uống giàu chất béo và đường. Đồng thời, theo một số nghiên cứu, việc cho trẻ tiếp xúc với nhiều hóa chất công nghiệp như Bisphenol A, Phthalates có trong chai nhựa, hộp đựng thực phẩm, bao bì thực phẩm... cũng là nguyên nhân gây dậy thì sớm. Vì vậy, các phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp bằng cách tránh sử dụng các hộp nhựa được dán mã tái chế, nhất là mã số 3 và 7, thay vào đó nên dùng hộp thủy tinh, thép không gỉ để đựng thực phẩm và đồ uống.

 

ĐÔNG YÊN - KIM NY

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555