BÁO ĐỘNG ĐỎ TOÀN VIỆN CỨU SỐNG SẢN PHỤ CHOÁNG MẤT MÁU DO NHAU CÀI RĂNG LƯỢC THỂ NẶNG.
Ngày đăng: 17/10/2023

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh vừa cứu sống một sản phụ bị nhau tiền đạo trung tâm, cài răng lược thể percreta băng huyết. Đây là tai biến sản khoa hiếm gặp và có tỷ lệ tử vong cao.

Sản phụ 32 tuổi quê xã Bình Hiệp (Bình Sơn) nhập viện trong tình trạng: choáng, mất máu nặng, da niêm mạc nhạt màu, mạch nhanh, huyết áp tụt, xuất huyết âm đạo lượng nhiều. Qua thăm khám, hội chẩn, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhau tiền đạo trung tâm, cài răng lược thể percreta băng huyết gây choáng mất máu nặng/ thai lần III, 24 tuần, vết mổ đẻ cũ hai lần.

Giám đốc Bệnh viện cùng ekip mổ thăm hỏi bệnh nhân sau phẫu thuật.

Xác định đây là một tai biến sản khoa nặng, có thể gây tử vong cao cho thai phụ, kíp trực đã kích hoạt tình trạng báo động đỏ toàn viện. Các bác sĩ Khoa Ngoại, Sản và Gây mê cùng hội chẩn và tiến hành mổ cấp cứu.

Trong ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ, các Bác sĩ đã cố gắng phối hợp, giải quyết khối nhau thai bám đoạn dưới tử cung xâm lấn bàng quang. Tổng số đơn vị máu truyền trong và sau mổ là: 12 đơn vị hồng cầu khối, 7 đơn vị plasma tươi, 10 tủa lạnh, 1 đơn vị tiểu cầu khối. Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Bệnh viện cùng tham gia vào ca phẫu thuật này để bóc tách khối nhau bán, khâu lại diện bàng quang bị tổn thương.

Theo Bác sĩ CKII Đinh Thị Mỹ Hoà, Phó Trưởng Khoa Sản trực tiếp thực hiện ca mổ khó này cho biết: Đây là ca mổ phức tạp với tình trạng bệnh nhân mất máu nhiều, huyết áp tụt liên tục trong cuộc mổ. Đã có những thời điểm bệnh nhân như rơi vào tình trạng nguy kịch nhất, có thể tử vong trên bàn mổ. Nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên Khoa: Sản, Ngoại, Gây mê hồi sức, kèm với điều kiện trang thiết bị hiện đại, nguồn máu được huy động tối đa cho cuộc phẫu thuật. Bệnh nhân đã được xử trí cầm máu kịp thời vượt qua được cơn nguy kịch trên bàn mổ.

 

Bác sĩ CK II Đinh Thị Mỹ Hoà, Phó Trưởng Khoa Sản thăm khám cho bệnh nhân.

Sau mổ, quá trình chăm sóc hậu phẫu của bệnh nhân cũng vô cùng khó khăn, khi phải đối diện với nguy cơ rối loạn đông máu do mất máu số lượng lớn, và tình trạng tắt nghẽn bàng quang sau phẫu thuật. Hiện tại, sau 14 ngày hậu phẫu, sức khoẻ bệnh nhân dần ổn định và đã được xuất viện.

Được biết, nhau cài răng lược thể Percreta ít phổ biến nhất, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp nhưng là thể nghiêm trọng nhất. Theo Khuyến cáo của Bác sĩ CKII Đinh Thị Mỹ Hoà, Phó Trưởng Khoa Sản, nhau cài răng lược gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu lẫn thai nhi. Chính vì thế, mẹ bầu cần lên kế hoạch phòng ngừa tình trạng này bằng cách: Có kế hoạch sinh nở phù hợp, khoảng cách giữa các lần mang thai phù hợp, hạn chế tối đa việc sinh mổ; Hạn chế việc nạo phá thai hoặc phẫu thuật trên tử cung; Khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi thai kỳ chặt chẽ.

Hiện nay với sự phát triển của hệ thống máy siêu âm hiện đại đã có thể giúp phát hiện sớm tình trạng này. Chính vì thế, mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi thai kỳ chặt chẽ, phát hiện sớm và can thiệp hiệu quả trong tình huống có nhau thai cài răng lược.

Kim Ny

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555