Sau khi được đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật, từ tháng 4.2019 đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi đã áp dụng kỹ thuật “đẻ không đau” cho hàng chục sản phụ trên địa bàn tỉnh.
Sản phụ Phạm Thị Hà, ở TP.Quảng Ngãi, là một trong những bệnh nhân đầu tiên sinh bằng kỹ thuật “đẻ không đau” chia sẻ: “Đây là lần thứ ba tôi sinh con, so với hai lần sinh trước thì đỡ đau hơn rất nhiều, sức khỏe cũng nhanh hồi phục”.
Bác sĩ bệnh viện đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. |
Bác sĩ Phạm Xuân Minh - Phó Khoa Sản cho biết: “Sau khi gây tê ngoài màng cứng, sản phụ vẫn hoàn toàn tỉnh táo, vẫn có thể cảm nhận được những cơn co và có khả năng tự rặn đẻ. Kỹ thuật này có thể áp dụng cho cả sinh thường và sinh mổ”.
Từ tháng 5.2019 đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cũng đã triển khai dịch vụ tư vấn, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hiếm muộn nam, nữ và bệnh lý nam khoa; đồng thời, khảo sát chức năng và hoạt động của tinh hoàn, làm tinh dịch đồ, lọc rửa tinh trùng, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hiếm muộn của nam... Ngoài ra, bệnh viện còn triển khai dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân, hỗ trợ sinh sản...
“Ngoài tăng cường nhiều máy móc, kỹ thuật hiện đại, bệnh viện còn cử bác sĩ đi đào tạo chuyển giao các kỹ thuật hiện đại, để tiếp tục ứng dụng và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế cho bà mẹ, trẻ em trên địa bàn tỉnh". Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh NGUYỄN ĐÌNH TUYẾN |
Theo kế hoạch, bệnh viện sẽ thực hiện thụ tinh nhân tạo và tiến tới thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Để triển khai dịch vụ này, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã đào tạo 2 bác sĩ chuyên ngành về hiếm muộn, 2 kỹ thuật viên lọc rửa tinh trùng; chuẩn bị hệ thống phòng lab đạt chuẩn, hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại như tủ ấm vi sinh, tủ cấy vô trùng, hệ thống máy ly tâm, hệ thống các xét nghiệm nội tiết để đánh giá dự trữ và chức năng buồng trứng...
Đơn vị còn triển khai điều trị vết mổ sau sinh bằng công nghệ plasma. “Công nghệ plasma tiêu diệt các vi sinh vật cản trở quá trình liền vết thương, giúp kích thích và tăng tốc làm lành vết thương. Do đó, với những sản phụ sau khi mổ lấy thai được áp dụng công nghệ này, thời gian điều trị vết thương sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần so với bình thường”, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Nguyễn Đình Tuyến chia sẻ.
Đối với lĩnh vực nhi khoa, bệnh viện đã triển khai khám, phẫu thuật cho trẻ bị khe hở môi - vòm miệng. Bên cạnh đó, bệnh viện còn triển khai dịch vụ khám sàng lọc sơ sinh như lấy máu gót chân để sàng lọc thiếu men G6PD, thiểu năng giáp bẩm sinh và các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Ngoài ra, bệnh viện còn sàng lọc một số bệnh khác như suy giảm thính lực bẩm sinh, dị tật tim bẩm sinh nặng; sàng lọc các bệnh Thalassemia; quản lý hen, điều trị viêm gan B, C trẻ em.
Đáng chú ý là phương pháp nội soi gây mê lần đầu tiên được bệnh viện triển khai cho trẻ em có nhu cầu kiểm tra, khám các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm loét dạ dày tá tràng. Với dịch vụ này, giúp cho nhiều bệnh nhân đỡ tốn kém đi điều trị bệnh viện tuyến trên. Ngay cả dịch vụ làm đẹp như bấm lỗ tai cho bé gái sơ sinh, lấy ráy tai trẻ em cũng đang được triển khai...
Bên cạnh đó, bệnh viện hiện đang triển khai nuôi dưỡng, điều trị cho các bé sơ sinh thiếu tháng, dưới 7gram, đem lại hy vọng sống cho nhiều em bé sau sinh. Với những cải tiến trong khám, chữa bệnh, thời gian qua, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã cứu sống nhiều trường hợp sản khoa nguy kịch như thai ngược, vỡ tử cung, phẫu thuật sản, nhi phức tạp...
Bài, ảnh: KIM NGÂN