Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins của Mỹ, trong số hơn một triệu ca bệnh toàn cầu, Mỹ hiện là nước chiếm nhiều nhất với hơn 240.000 ca. Ý hiện là quốc gia có số ca tử vong cao nhất, tiếp theo là Tây Ban Nha.
Khoảng 700.000 ca trên thế giới có các triệu chứng nhẹ và gần 38.000 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, đến nay đã có hơn 200.000 người bình phục.
Còn theo CNN, tại Brazil, số ca bệnh mới trong ngày 2-4 tiếp tục ở mức trên 1.000 ca ngày thứ ba liên tiếp, nâng tổng số ca toàn quốc lên 7.910 ca với 299 ca tử vong.
Ý ghi nhận thêm 760 ca tử vong và 4.668 ca bệnh mới ngày 2-4. Như vậy, Ý đã có gần 14.000 ca tử vong trên hơn 115.000 ca nhiễm virus corona chủng mới.
Ông Hans Kluge, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ngày 2-4 cho biết hơn 95% trường hợp tử vong vì COVID-19 ở châu Âu có độ tuổi trên 60, nhưng những người trẻ tuổi không nên chủ quan.
Ông Hans Kluge chỉ rõ tuổi tác không phải là yếu tố rủi ro duy nhất khiến cho các trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, đã khiến hàng tỷ người bị phong tỏa và làm chao đảo nền kinh tế thế giới. Ông nhấn mạnh: "Quan niệm cho rằng dịch bệnh COVID-19 chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi là thực sự sai lầm. Người trẻ tuổi không phải là trường hợp ngoại lệ".
Theo Bộ Y tế, Tuổi trẻ