Câu chuyện đẹp về tình người
Ngày đăng: 30/11/2023
Với sự tận tâm, yêu nghề, các y, bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) đã viết nên những câu chuyện đẹp trong ngành y.

Những người mẹ thứ hai của trẻ sơ sinh

Là điều dưỡng tại Khoa Nhi sơ sinh, công việc trong ca trực của chị Đặng Thị Tiên (29 tuổi) luôn tất bật. Tại Khoa Nhi sơ sinh, các điều dưỡng được ví như người mẹ thứ hai của trẻ sơ sinh, bởi là người trực tiếp chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ để kịp thời thông báo cho các bác sĩ. Xuyên suốt 12 giờ trong ca trực, các điều dưỡng luôn bận rộn với việc chăm sóc trẻ, rồi làm các công việc liên quan đến sổ sách, giấy tờ tại khoa.

Khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh) đã nuôi sống thành công nhiều trường hợp trẻ sinh cực non.

Trong thời gian trẻ sinh non, sinh cực non nằm viện, hạn chế người nhà vào thăm nên các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhi sơ sinh là những người chăm sóc cho trẻ ngay từ những ngày đầu đời cho đến lúc trẻ vượt qua giai đoạn nguy kịch, được ấp da kề da với người mẹ. “Với trẻ sinh ra khỏe mạnh, chỉ cần mẹ chăm sóc, còn các trẻ sinh non, sinh cực non phải thực hiện phác đồ chăm sóc cấp 1, các điều dưỡng phải theo dõi trẻ 24/24 giờ. Công việc của các bác sĩ, điều dưỡng rất áp lực. Dẫu vậy, khi trẻ qua cơn nguy kịch, khỏe mạnh xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình, chúng tôi như quên hết mọi vất vả, đó là niềm động viên để tiếp tục cống hiến, chăm sóc trẻ sơ sinh", chị Tiên chia sẻ. 

Điều trị thành công nhiều ca khó

Khoa Nhi sơ sinh được thành lập từ tháng 10/2017, hiện có 9 bác sĩ, 15 điều dưỡng. Khoa Nhi sơ sinh đã điều trị thành công nhiều ca khó.  Một trong những thành công đó là phát hiện và xử lý, điều trị bệnh cao áp phổi tồn tại đối với trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây ra bệnh cao áp phổi tồn tại là do tăng kháng lực mạch máu phổi trong bào thai, nhưng không thể phát hiện được trong thai kỳ. Bệnh cao áp phổi tồn tại chỉ có thể phát hiện khi trẻ chào đời, biểu hiện không thở được, tím tái. 

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thu Diệu, công tác tại Khoa Nhi sơ sinh cho biết, để chẩn đoán đúng bệnh cao áp phổi tồn tại cần siêu âm tim để loại trừ bệnh lý tim bẩm sinh, sau đó đo áp lực trong phổi để chẩn đoán. Trường hợp trẻ bị bệnh cao áp phổi tồn tại, ngay lập tức cho trẻ thở máy, dùng các loại thuốc làm giảm áp lực phổi cho trẻ. Từ 3 - 5 ngày, áp lực trong phổi hạ xuống, trẻ sẽ cải thiện tình trạng bệnh. Điều quan trọng là các bác sĩ phải phát hiện đúng, kịp thời để can thiệp sớm. Các bác sĩ Khoa Nhi sơ sinh phải túc trực ngay tại Khoa Sản trong trường hợp có sản phụ bị suy thai, nhịp tim bào thai chậm, siêu âm có bất thường hoặc trẻ sinh non, sinh cực non; kịp thời xử trí hồi sức sơ sinh cho trẻ ngay lúc trẻ chào đời. 

Khoa Nhi sơ sinh đã nuôi thành công nhiều trường hợp sinh non có cân nặng khoảng 1kg. Bước tiến vượt bậc trong năm 2023 của Khoa Nhi sơ sinh là đã nuôi sống thành công nhiều trường hợp sinh cực non có cân nặng chỉ 600gram, 800gram. Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Huyền Trang, công tác tại Khoa Nhi sơ sinh cho hay, các trường hợp sinh non, sinh cực non, suy dinh dưỡng bào thai, bệnh cao áp phổi tồn tại… là những bệnh lý khó. Trẻ sơ sinh bị bệnh lý có sức đề kháng yếu, diễn biến bệnh rất nhanh nên các bác sĩ, điều dưỡng của khoa phải theo dõi, quan sát tỉ mỉ để xử lý nhanh, hiệu quả. Chúng tôi vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đồng thời hội chẩn với các bác sĩ tuyến trên và sự hỗ trợ của chuyên gia y tế Cuba tại bệnh viện đã góp phần làm nên thành công trong nuôi sống, điều trị nhiều ca khó. 

Bài, ảnh: BẢO HÒA

nguồn: https://baoquangngai.vn/xa-hoi/202311/cau-chuyen-dep-ve-tinh-nguoi-b290ce9/

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555