Khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người ngại tới bệnh viện khám bệnh vì lo sợ nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, điều này sẽ góp phần tăng thêm các rủi ro thai kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và em bé.
Không đi khám thai vì lo sợ dịch bệnh
Mang bầu ở tuần thứ 32, nhưng lo sợ dịch bệnh COVID-19 khi phải đi đến chỗ đông người, nên chị Nguyễn Thị Thiều, ở xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn rất ít đi khám thai. Cho đến khi bị ra máu bất thường, đi khám thì chị mới biết là thai bị nhau bám thấp, nguy cơ sinh non nên phải nhập viện để dưỡng thai. Chị Nguyễn Thị Thiều, cho hay: bình thường cũng ít đi khám, thêm dịch nữa nên không có đi thường xuyên. Nay bị nhau bám thấp, ra máu nên mới nhập viện để dưỡng.
Cùng chung tâm lí lo ngại dịch COVID-19 phức tạp, nhiều thai phụ ngại đến cơ sở y tế để khám thai định kì. Có thai phụ dù đã ở giai đoạn cuối của thai kì nhưng vẫn không đi khám định kì để theo dõi sự phát triển của thai nhi và nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ. Trường hợp sản phụ Trần Thị Thúy, ở huyện Nghĩa Hành vì sợ dịch nên không đi khám thai định kỳ, đến khi chuyển dạ nhập viện khám thì em bé thai ngôi ngược nhưng sản phụ không hề biết. Chị Thúy chia sẻ: “Mình thấy sức khỏe tốt nên chủ quan không đi khám, với lại cũng sợ đến nơi đông người dịch bệnh phức tạp. Đến khi nhập viện sinh mới biết em bé bị ngôi ngươc, việc sinh khó khăn rất nhiều, cũng may các bác sĩ đã giúp em bé chào đời an toàn”
Tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh, đã có trường hợp sản phụ thai bị chết lưu 2 tháng mới nhập viện, vì trước đó vẫn nghĩ thai phát triển bình thường. Và nhiều trường hợp do không theo dõi khám thai định kì nên gặp những rủi ro đáng tiếc, ảnh hưởng cả đến sức khỏe người mẹ và em bé.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Minh, Phó trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh thì việc đi khám thai định kì rất cần thiết, thai phụ nên khám đầy đủ các mốc thai kì quan trọng: “Việc khẳng định mình có thai hay không, thai nằm trong hay ngoài rồi sàng lọc những dị tật trong 3 tháng đầu rất quan trọng. Riêng trong 3 tháng cuối phải hết sức cẩn thận, đi khám thường xuyên hơn. Thứ nhất là để biết được lượng nước ối, nhiều trường hợp vào tới bệnh viện là khô ối luôn, có những trường hợp bị nhau tiền đạo cũng không biết. Rồi thế em bé nằm, nhiều bé là ngôi ngược, ngôi ngang, những trường hợp đó phải biết để khi chuyển dạ phải mổ”
Chăm sóc thai phụ “thời” Covid
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi, phụ nữ mang thai cần tuân thủ nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, trong đó giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là những yếu tố vô cùng quan trọng để phòng lây nhiễm bệnh. Đi khám thai và kiểm tra sức khỏe trong những giai đoạn quan trọng của thai kỳ, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và tiêm vắc xin phòng COVID khi có cơ hội và theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi có nghi ngờ, đau họng, mệt, khó thở thì nên chủ động test COVID để có thể khám, điều trị kịp thời.
“Khi có thai thì sức đề kháng của sản phụ giảm vì phải nuôi đứa bé nữa, nên khi nhiễm COVID những ngày đầu có thể có những biểu hiện như cảm cúm, sau đó biểu hiện khó thở, suy hô hấp, rát họng, chán ăn. Cần theo dõi và đi test COVID kịp thời. Với những trường hợp thai phụ có tiếp xúc với FO nên chủ động test COVID ngay. Tại bệnh viện có test nhanh COVID, sản phụ có thể tới làm để can thiệp kịp thời. Ví dụ trường hợp phát hiện dương tính sản phụ sẽ được đưa tới khu cách li riêng, điều trị riêng và còn can thiệp kịp thời cho em bé nữa”, Bác sĩ Minh cho biết thêm.
Minh