CHUNG TAY GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA TRONG BỆNH VIỆN
Ngày đăng: 09/07/2020

Rác thải nhựa trong Bệnh viện phát sinh từ đâu?

Hiện nay, lượng rác thải phát sinh trung bình ở Bệnh viện khoảng 600 tấn/năm, trong đó 7% là rác thải nhựa (khoảng 4,2 tấn) trong đó có Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ngãi. . Chất thải nhựa trong y tế phát sinh trong các hoạt động hằng ngày của các nhân viên y tế kể cả mang từ nhà đến bệnh viện, người bệnh, người nhà bệnh nhân và người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì dụng cụ đóng gói, chứa đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, vật liệu, đồ dùng trong y tế... Trong đó, đa số rác thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt, phòng chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày có 500-700 bệnh nhân nội trú, khoảng 300 lượt bệnh nhân ngoại trú, vì vậy rác thải từ các nguồn trên là rất lớn.

Ngoài ra, có các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như bơm kim tiêm, dụng cụ thiết bị dùng trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm.., đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều đó đồng nghĩa với việc chủng loại chất thải nhựa trong bệnh viện là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.

Mặc dù Bệnh viện đã giảm thiểu chất thải nhựa trước khi có Chỉ thị 08/CT-BYT ngày 29/7/2019, tuy nhiên, lượng chất thải nhựa liên quan tới chất thải nguy hại lây nhiễm (bơm tiêm, chai dịch truyền, dây chuyền dịch, …) chưa được tái chế còn cao (50-100 kg/ngày), một số khoa/phòng vẫn sử dụng nhiều hàng hóa, vật tư, thực phẩm đóng gói bằng túi nilong.

Thực hiện nhiều biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Để hạn chế rác thải nhựa trong Bệnh viện, Lãnh đạo Bệnh viện các đơn vị và các khoa, phòng cũng đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tập thể công chức, viên chức, người lao động về tác hại của chất thải nhựa, túi nylon khó phân hủy đối với môi trường sống; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Ký bản cam kết “Chống rác thải nhựa” giữa Giám đốc bệnh viện với các trưởng khoa/phòng; ký cam kết giữa trưởng khoa/phòng với toàn thể nhân viên trong bệnh viện đặc biệt không được mang thức ăn, nước uống chứa chất thải nhựa từ nhà vào bệnh viện.

Tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, giao ban bệnh viện không sử dụng tất cả các sản phẩm nhựa, chai nhựa dùng một lần dưới 500 ml thay bằng chai và ly thủy tinh. Đăng tải các tin bài, hình ảnh, nội dung liên quan đến phong trào “Chống rác thải nhựa” trên website, bảng tin của bệnh viện. Nhiều nhân viên y tế đã sử dụng chai thủy tinh để đựng nước, các hộp đựng thức ăn bằng vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế.

Sử dụng chai thủy tinh và ly thủy tinh thay chai nhựa dùng 1 lần cho các cuộc họp, hội thảo...tại Bệnh viện

Ngoài ra, Bệnh viện đã tổ chức truyền thông trong các buổi họp Điều dưỡng trưởng, truyền thông kiến thức về thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người... nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, hoạt động tuyên truyền nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trong Bệnh viện, như:

- Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; ưu tiên sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh.

- Hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như chai nước uống, ống hút, cốc, bát, đĩa...  cho mục đích ăn uống trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của bệnh viện và tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

- Tăng cường công tác truyền thông tại bệnh viện để thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, giúp hạn chế việc phát sinh chất thải nhựa như: Treo băng zon, khẩu hiệu, pa nô, áp phích; dán thông tin tại bảng truyền thông, nói chuyện sức khỏe tại buổi sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở các khoa phòng với nội dung về tác hại của chất thải nhựa đến sức khỏe và môi trường,...

- Phát động phong trào thi đua và vận động mỗi cán bộ y tế, người lao động trong cơ quan thực hiện giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; thực hiện nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của bệnh viện

Ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đã và đang là vấn đề cấp bách trong cuộc sống hiện nay, đây là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và tác động trực tiếp đến môi trường sống, sức khỏe con người. Không chỉ gây ảnh hưởng trong các cơ sở y tế, rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, xã hội. Chính vì thế, mỗi nhân viên y tế và người dân khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh cần chung tay hạn chế rác thải nhựa, trước hết là bảo vệ đời sống chính bản thân và gia đình mình, bảo vệ môi trường sống xung quanh./.

 B.M

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555