Vào lúc 5 giờ 05 phút ngày 27/7, Khoa cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tiếp nhận sản phụ 41 tuổi, có thai lần 3 trong tình trạng ra máu tươi âm đạo, choáng. Qua thăm khám, hội chẩn cùng các Bác sĩ trực, bệnh nhân được chẩn đoán: Nhau tiền đạo trung tâm/ choáng mất máu, băng huyết VMC, thai lần III, vết mổ đẻ cũ, thai lần III 35 tuần 6 ngày.
Bác sĩ chăm sóc mẹ và bé tại phòng điều trị.
Kíp trực khẩn trương báo phòng mổ và chuẩn bị máu cùng nhóm, 10 phút sau chuyển mổ cấp cứu để cứu mẹ và bé. Các Bác sĩ tiến hành phẫu thuật mổ lấy thai là 1 bé trai nặng 3kg và được chuyển qua khoa Nhi sơ sinh chăm sóc. Về phần sản phụ, kip mổ tiến hành cầm máu và bảo tồn tử cung cho bệnh nhân. Ca mổ diễn ra khó khăn vì bệnh nhân mất máu nhiều, nhau bám mặt trước. Trong mổ sản phụ được truyền 6 đơn vị máu.
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật khẩn trương, cả 2 mẹ con sản phụ được an toàn, mẹ tròn con vuông. Hiện tại sức khoẻ của cả 2 đã ổn định, cháu bé sức khoẻ tốt hơn, đã được chuyển lên để mẹ chăm sóc và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Chia sẻ với chúng tôi, bệnh nhân cho biết, trước đó, tôi có dấu hiệu ra máu tươi và nhập viện được 2 ngày thì xin về nhà. Đến tối rạng sáng ngày 27/7 thì máu ồ ạt ra nhiều nên được gia đình đưa vào cấp cứu, lúc đó tôi đã ngất xỉu vì choáng. Sau ca mổ tôi thấy mình quá may mắn vì được các y, Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cứu chữa kịp thời để cứu 2 mẹ con. Tôi và gia đình mình rất biết ơn và gửi lời cảm ơn chân thành đến kip mổ ngày hôm đó.
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Sáu, Phụ trách Khoa phụ, người trực tiếp mổ cho sản phụ chia sẻ: Nhau tiền đạo trung tâm băng huyết là một cấp cứu sản khoa không thể xem thường. Đối với những thai phụ lớn tuổi, mổ nhiều thì nguy cơ nhau tiền đạo càng cao. Trong suốt quá trình mang thai nên theo dõi chặt chẽ sức khoẻ của mẹ và bé, khám thai định kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết và nên chọn những cơ cở y tế, bệnh viện chuyên khoa đầy đủ máy móc, nhân lực để thăm khám nhằm đảm bảo an toàn.
KN