Nhìn bé trai kháu khỉnh nặng 2,9kg nằm trong lòng chị Lê Thị Lệ, ngụ ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, không ai có thể đoán ra để chào đón đứa con thứ 3 này chào đời, chị Lệ đã trải qua một hành trình vào đất liền sinh con không thể nào quên.
Chuyến đi sinh đầy bão táp
Sáng sớm ngày 12/9, chị Lệ có dấu hiệu chuyển dạ nên được chuyển vào Trung tâm y tế huyện đảo Lý Sơn. Chị bị khô ối và dự đoán khó sinh, trong khi đó điều kiện y tế trên đảo không đảm bảo nên bác sĩ khuyên chuyển lên tuyến trên. Thời điểm này, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó cơn bão số 5 đang đổ bộ vào Quảng Ngãi, biển động mạnh, tàu thuyền bị cấm ra khơi.
Tình hình của chị Lệ ngày càng nguy hiểm, chị và gia đình tìm mọi cách để tìm kiếm tàu thuyền để co thế vào đât liền sinh con.Gia đình chị đã liên hệ chính quyền địa phương, xin ý kiến cơ quan chức năng. Sau một thời gian trao đổi, thấy tình hình chị Lệ để lâu sẽ nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con nên chính quyền địa phương đã chấp thuận cho chị Lệ thuê tàu vào đất liền.
Được sự chấp thuận của chính quyền rồi nhưng trong lúc mưa to gió lớn, việc tìm được tàu chịu đi vào đất liền vô cùng khó khăn. Trong lúc bí bách nhất vì không kiếm được tàu thì gia đình nhận được sự đồng ý của chủ tàu Super Biển Đông. Chi phí của chuyến đi là 18 triệu, một số tiền lớn đối với người thuê tàu nhưng với chủ tàu thì không thấm tháp vào đâu khi chấp nhận một chuyến đi mạo hiểm giữa lúc biển động như vậy, bênh cạnh đó còn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi tàu hay sản phụ gặp sự cố. Thế nhưng, tình người lúc đấy như một sợi dây kết nối giúp chị Lệ có được cơ hội vào đất liền sinh con.
Gia đình chị Lệ thuộc diện khó khăn của xã, chị Lê làm nông, chồng đi thuyền thúng đánh bắt cá sống qua ngày. Chị còn 2 con nhỏ và sống với ba mẹ chồng đã già. Chị Lệ chia sẻ: “Bà con, làng xóm mỗi người gom góp một ít hỗ trợ cho vợ chồng đi sinh con, chủ tàu tốt bụng còn cho nợ sau này về rồi làm ăn từ từ trả lại. Mình quá may mắn vì trong lúc khó khăn nhất nhận được sự giúp đỡ của mọi người”
Giữa biển khơi sóng to gió giật vì chịu ảnh hưởng của cơn bão. Chiếc tàu cũng chồng chềnh ngả nghiêng theo từng cơn sóng lớn. Di chuyển được 50 phút, chị Lệ cảm thấy đau bụng dữ dội, có dấu hiệu muốn sinh. Được sự trợ giúp của nhân viên y tế đi cùng chị Lệ đã sinh được một bé trai kháu khỉnh. Sau khi lấy em bé ra khỏi mẹ, chị Lệ ngất đi vì mất sức. Chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên y tế đi cùng chị Lệ cũng rã rời vì đỡ đẻ và say sóng.
Nhận được thông báo từ Trung tâm Y tế huyện Lý Sơn, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã cử 1 xe cấp cứu đến trước cảng Sa Kỳ để đón sản phụ. Đoạn đường chở sản phụ cũng gặp nhiều khó khăn vì mưa lớn, nhiều tuyến đường ngập, cây ngã đổ, lái xe phải đi đường vòng để có thể đưa sản phụ an toàn đến Bệnh viện. Tai Bệnh viện, chị Lệ được các y , bác sĩ nhanh chóng kiểm tra sức khỏe và lấy nhau thai còn sót. Sau một khoảng thời gian được chăm sóc chị Lệ đã dần khỏe lại, đứa con mới sinh sức khỏe cũng ổn định.
Nhiều khó khăn cho sản phụ ở vùng đảo xa
Không “ly kỳ” như hành trình đi sinh của chị Lệ, nhưng chị Nguyễn Thị Đậm, ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cũng đã trải qua hành trình đi khám thai vất vả không kém, thậm chí suýt ảnh hưởng đến tính mạng nếu chỉ muộn một chút nữa.
Giữa năm 2020, do đang thực hiện giãn cách xã hội nên tàu cao tốc không thể đưa chị Đậm từ huyện đảo Lý Sơn vào đất liền. Người phụ nữ này sau đó được đưa đi cấp cứu bằng tàu gỗ nên mất 2 giờ mới đến bệnh viện Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi. Qua hội chẩn, các bác sĩ nhận định chị Đậm mang thai đã 36 tuần, bị viêm phúc mạc ruột thừa, ruột thừa vỡ, nguy hiểm cho mẹ và con. Nhờ may mắn được bác sĩ cấp cứu kịp thời chị Đậm mới thoát khỏi “cửa tử” và giữ được con.
Theo thống kê của Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, từ năm 2020 đến nay Bệnh viện đón khoảng 300 lượt khám, điều trị sản, phụ khoa cho bệnh nhân ở Huyện đảo Lý Sơn. Trong đó có không ít ca chuyển tuyến vì một số bệnh lý nặng trong mang thai. Rât nhiều sản phụ như chị Lê, chị Đậm phải di chuyển rất khó khăn, tốn kém số tiền lớn để thuê tàu để chuyển tuyến điều trị bệnh hoặc sinh nở.
Từ lâu, việc mang thai, sinh nở nói riêng hoặc cấp cứu, chuyển tuyến cho bệnh nhân nặng ở Lý Sơn nói chung luôn gian truân hơn những nơi khác, đây là một thiệt thòi rất lớn của người dân huyện đảo tiền tiêu. Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết : “Thường vào mùa mưa, bão, ngành y tế Lý Sơn được hỗ trợ thêm nhân lực nhưng 2 năm vừa rồi, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhân lực ít được tăng cường, khó khăn chồng chất khó khăn. Đã có nhiều trường hợp phải thuê tàu vào đất liền cấp cứu, rất nguy hiểm và tốn kém. Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vừa qua, huyện Lý Sơn đã đề nghị chính quyền bố trí 1 tàu cứu hộ cứu nạn, có thể chuyên chở người đi cấp cứu và tăng cường nhân lực y tế có chuyên môn cao cho đảo trong những tháng thời tiết xấu” ./.
B.Minh