Hen phế quản nặng điều trị ổn định tại Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày đăng: 08/10/2018

Bệnh Hen phế quản ở trẻ em gặp ở mọi lứa tuổi, tỉ lệ mắc bệnh dao động từ 1-30% theo nhiều tác giả. Bệnh Hen phế quản không có nguyên nhân rõ ràng. Các yếu tố nguy cơ làm dễ mắc bệnh gồm: sự nghèo khó, tuổi mẹ dưới 20 khi sinh trẻ, cân nặng lúc sinh <2500gr, mẹ hút thuốc lá (hơn ½ gói mỗi ngày), nhà ở chật chội, gia đình đông người, thường bị phơi nhiễm với dị ứng nguyên và nhiễm khuẩn hô hấp ở thời kỳ sơ sinh. Triệu chứng thường gặp là trẻ khò khè, khó thở ở thì thở ra, hay xuất hiện khi thay đổi thời tiết, hoặc tiếp xúc với dị nguyên. Nghe phổi phát hiện nhiều ran ngáy, rít lẫn ran ẩm vừa to hạt. Triệu chứng thường kéo dài theo diễn tiến của bệnh nhiễm virus hô hấp và đáp ứng không triệt để với thuốc dãn phế quản. Điều trị hen phế quản tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Hen nhẹ và vừa: Có thể điều trị tại tuyến cơ sở. Cho hít salbutamol (MDI loại 100 g/xịt ) có bầu hít với liều  1-2 xịt / lần, lập lại sau 20 phút cho đến khi cải thiện. Sau đó có thể chuyển sang duy trì bằng đường uống: 0,15 mg/kg/liều x 4 lần/ngày. Nếu không cải thiện, cần chuyển ngay lên tuyến trên.

Hen nặng: Cần điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực của tuyến tỉnh. Bước 1: Xông khí dung (nebulized) salbutamol có kèm oxy (dung dịch 0,5%) 0,02 ml/kg pha với 3 ml nước muối sinh lý, lập lại sau 20 phút nếu chưa cải thiện, tối đa 4 lần / ngày. Bước 2: Hydrocortisone 4-6 mg/kg/4-6 giờ TM. Bước 3: Theophyllin 6 mg/kg TM chậm trong 30 phút (nếu chưa dùng theophyllin 12 giờ trước đó) sau đó chuyển sang duy trì bằng truyền TM liên tục 0,7 – 1 mg/kg/giờ. Bước 4: Salbutamol  nhỏ giọt TM: Bắt đầu 0,5  g /kg/phút, có thể tăng 1g/kg/15 phút, tối đa 20 g/kg/phút. Bước 5: Đặt nội khí quản, hô hấp hỗ trợ.

Các yếu tố nguy cơ làm dễ bị tử vong gồm:  Không đánh giá đúng mức độ nặng của hen; Chậm trể trong việc điều trị đúng đắn; Dùng sai thuốc giãn phế quản và thuốc corticoid; Không tuân thủ chế độ điều trị; Có vấn đề tâm lý xã hội hoặc stress làm ảnh hưởng đến sự tuân thủ chế độ điều trị; Có tiền sử vào viện hoặc vào điều trị cấp cứu vì hen gần đây.

Bệnh Viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi vừa tiếp nhận điều trị thành công một trường hợp Hen phế quản đe dọa tính mạng phải điều trị bước 5 là thở máy. Bệnh nhân Phạm Thị Như Y, 11 tuổi, Long Hiệp, Minh Long, Quảng Ngãi Vào viện 17 giờ 36 phút, ngày 27/9/2018. Trẻ có tiền sử Hen phế quản, nhập viện nhiều lần, ở nhà dùnng thuốc dự phòng không thường xuyên. Khởi bệnh trước nhập viện 1 ngày với ho, khò khè, khó thở ngày càng tăng, được khoa HSTC - CĐ chẩn đoán hen phế quản mức độ nặng bội nhiễm, điều trị thở oxy, kháng sinh, kháng viêm, giãn phế quản tích cực đường khí dung…nhưng không cải thiện. Đến 18 giờ 40 phút cùng ngày trẻ kích thích, lơ mơ, thở rút lõm ngực nặng, da xanh tái, SpO2 giảm còn 84% (bình thường 98-100%), trẻ được xử lý tích cực đặt Nội khí quản,thở máy, truyền Magie sulphat, an thần, điều chỉnh các rối loạn nhịp thở, điện giải đồ... Sau hơn 2 ngày điều trị hỗ trợ bằng thở máy, trẻ ổn định, rút nội khí quản, thở CPAP, tiếp tục điều trị kháng sinh, dịch truyền, kháng viêm, giãn phế quản…Đến ngày 2/10/2018 trẻ tỉnh táo, linh hoạt, hết khó thở, ăn uống được, và xuất viện sau đó vài ngày.

Trong những ngày mà tại Quảng Ngãi thời tiết thay đổi liên tục, trẻ bị Hen phế quản không được theo dõi, quản lý Hen chưa tốt dễ đưa đến các cơn Hen nặng có thể đe dọa tính mạng của các cháu.

Cách phòng bệnh: Nguyên tắc trong điều trị và phòng tránh hen phế quản cần phải loại trừ được các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó người không may mắc bệnh cũng cần phải giữ gìn sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch để có thể chống lại sự tấn công của mầm bệnh.

Tránh xa các yếu tố nguy cơ: đeo khẩu trang tránh bụi, virus; không tiếp xúc với lông động vật, phấn hoa, khói thuốc; không nên ăn những thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao…

Giữ ấm cơ thể: điều trị dứt điểm khi bị các bệnh đường hô hấp

Có chế độ ăn uống, luyện tập: phù hợp

Cẩn trọng trong dùng thuốc, đặc biệt các loại thuốc có khả năng gây dị ứng cao. Bên cạnh đó để dự phòng và điều trị hen phế quản một cách hiệu quả, người bệnh cần thực hiện tốt một số điểm sau đây:

Tìm hiểu kiến thức cơ bản về bệnh hen suyễn thông qua sự tư vấn của thầy thuốc để chủ động chữa và kiểm soát bệnh tật.

Khi xuất hiệu các triệu chứng của đợt cấp, cần đến các phòng khám và bệnh viện gần nhất để được khám xét, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Nguồn: BsTrần Đình Điệp, BS Nguyễn Đình Tuyến (BVSN)

 

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555