1. Vắc - xin cúm mùa là gì?
Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm và rất dễ bùng phát thành dịch. Cúm có thể dẫn đến các biến chứng như viêm xoang, viêm tai và viêm phổi, có khả năng làm người mắc bệnh dẫn đến tử vong. Đặc biệt, ở trẻ em, cúm thường gây ra những biến chứng nặng như: Sốt cao, co giật, biến chứng đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, nặng hơn là có thể tử vong).
Hiện nay, tiêm phòng cúm mùa là biện pháp dự phòng cúm tốt nhất thể chủ động thực hiện.
2. Ai nên tiêm vắc - xin cúm?
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) khuyến cáo tất cả mọi người bao gồm cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm. Đặc biệt một số người ở nhóm nguy cơ khiến các bệnh mãn tính nặng hơn do bệnh cúm hoặc dễ mắc các biến chứng do cúm hơn những người khác thì càng phải tiêm phòng cúm hằng năm:
- Trẻ em, đặc biệt trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi
- Người lớn hay trẻ em bị suy giảm miễn dịch tự nhiên hay mắc phải (nhiễm HIV) hay được ghép tạng
- Phụ nữ mang thai đang trong giai đoạn có dịch mùa cúm
- Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên. Người sống trong viện dưỡng lão hoặc nằm lâu trong viện
- Người ở bất kỳ độ tuổi nào có mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, đột quỵ,...
Người sống cùng hoặc chăm sóc những người có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm, bao gồm: Nhân viên chăm sóc sức khoẻ, những người tiếp xúc trong gia đình và người ngoài chăm sóc trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
3. Nên tiêm vắc-xin cúm khi nào?
Bạn nên tiêm vắc - xin cúm trước khi vi-rút cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng, vì phải mất khoảng hai tuần sau khi tiêm vắc-xin thì kháng thể mới được sản xuất đầy đủ trong cơ thể và mới có hiệu lực bảo vệ cơ thể chống lại cúm. Do đó, bạn nên lập kế hoạch để chủng ngừa sớm, thường là tiêm vào mùa thu đông, trước khi mùa cúm bắt đầu. Tuy nhiên, tiêm vắc-xin muộn hơn sau đó vẫn có thể có lợi, thậm chí vào tháng 1 sang năm hoặc muộn hơn. Mặc dù vậy, tiêm phòng vào bất cứ thời điểm nào trong mùa cúm đều vẫn có thể giúp phòng ngừa mắc bệnh. Chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên cần tiêm vắc-xin cúm mùa trước khi vào mùa cúm của năm đó và nên tiêm càng sớm càng tốt khi có vắc-xin của năm đó.
- Đối với trẻ em là đối tượng dễ nhiễm virus cúm nên tiêm vắc-xin cúm. Do đó nên cho trẻ tiêm vắc-xin cúm khi trẻ từ 6 tháng tuổi.
- Đối với phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi có thai. Nếu đang trong dịch cúm mùamà chưa kịp tiêm trước khi mang thai thì vẫn có thể tiêm phòng vắc-xin ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ. Phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ biến chứng cao do cúm gây ra và vắc-xin cúm là vắc-xin bất hoạt nên có thể tiêm khi mang thai.
- Cần tiêm nhắc lại cúm hàng năm vì mỗi năm sẽ lưu hành một chủng virus cúm khác nhau.
4. Nên tiêm vắc-xin Cúm ở đâu?
Khi lựa chọn tiêm ngừa tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi:
- Trước khi tiêm, trẻ em sẽ được các bác sĩ chuyên khoa nhi - vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ.
- 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Bệnh viện và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.
- Gia đình sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.