Chữa bệnh trĩ bằng phương pháp longo là đề tài khoa học cấp tỉnh của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Đề tài này được ứng dụng vào thực tiễn, không chỉ chữa cho hàng trăm ca bệnh tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, mà còn chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho tuyến trên và hạn chế chi phí cho người bệnh.
Kể từ ngày được chuyển giao kỹ thuật chữa bệnh trĩ bằng phương pháp longo, bác sĩ Võ Ngọc Tấn - Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm (TX.Đức Phổ) không còn lo ngại mỗi khi tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh trĩ. Bác sĩ Tấn chia sẻ: Trước đây, chữa bệnh trĩ bằng phương pháp truyền thống, thấy bệnh nhân đau đớn, lâu bớt, chúng tôi cũng ái ngại. Nhiều ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên.
Năm 2019, được Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chuyển giao kỹ thuật chữa bệnh trĩ bằng phương pháp longo, nhiều bệnh nhân đến với bệnh viện được chữa trị theo phương pháp mới, nên ai cũng an tâm điều trị. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm đã giải phẫu cho khoảng 30 trường hợp mắc bệnh trĩ bằng phương pháp longo. Mỗi ca phẫu thuật ước chừng 30 - 45 phút, bệnh nhân nằm viện trong vòng vài ngày là xuất viện, không phải tốn nhiều chi phí đi tàu xe, hao tổn sức khỏe, chấm dứt được tình trạng khó chịu do bệnh trĩ gây ra.
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh trĩ, nhưng thông thường, bệnh trĩ thường xảy ra ở những người có thói quen ăn uống không lành mạnh... Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh trĩ khá cao. Theo khảo sát của Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh trĩ chiếm khoảng 55% dân số Việt Nam. Số người mắc bệnh ở độ tuổi 40 trở lên chiếm khoảng 60 - 70%.
Tại Quảng Ngãi, số người mắc bệnh trĩ cũng khá lớn, ước tính hằng năm số người nhập viện điều trị trĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh khoảng trên 500 trường hợp (theo thống kê của Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh), đó là chưa kể số bệnh nhân điều trị không mổ, số bệnh nhân đi tuyến trên... Năm 2014, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng mổ trĩ bằng phương pháp longo cho trên 500 trường hợp. Đa số bệnh nhân đều hài lòng, ít biến chứng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mới áp dụng ở các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương chưa triển khai về cơ sở. Các bác sĩ tại tuyến huyện ít được cập nhật kiến thức và hầu như kỹ thuật này chưa từng được áp dụng.
Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh đã thực hiện Đề tài khoa học “Chữa bệnh trĩ bằng phương pháp longo”, nhằm chuyển giao kỹ thuật cho 3 bệnh viện tuyến huyện là Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm, Trung tâm Y tế huyện
Mộ Đức và Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh. Đến nay, các bệnh viện này đã triển khai thành công chữa bệnh trĩ bằng phương pháp longo.
Đội ngũ y, bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh mổ bệnh trĩ bằng phương pháp longo cho bệnh nhân
Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Nguyễn Đình Tuyến cho biết: Kỹ thuật cắt trĩ theo phương pháp longo là sử dụng máy cắt đồng thời khâu nối. Phẫu thuật dựa trên nguyên lý kéo búi trĩ trở lại vị trí bình thường, cắt và khâu phần mạch máu cung cấp làm búi trĩ co nhỏ lại. Vết cắt và khâu nằm trên vùng ít cảm giác của ống hậu môn, giúp cho bệnh nhân giảm đau đáng kể sau phẫu thuật. Tỷ lệ tái phát sau mổ là rất ít. Sau khi mổ, hầu hết người bệnh không có cảm giác đau, chỉ cần dùng thuốc viên giảm đau thông thường là bệnh nhân có thể vận động trở lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường.
Bài, ảnh: A.N