Bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón là Đinh Thị Phương, 15 tuổi, ở huyện Sơn Tây vì mẫu thuẫn trong gia đình nên vào rừng hái lá ngón ăn để tự tử. Theo người nhà Phương kể lại thấy Phương đi rừng về có dấu hiệu buồn nôn, mặt mũi tím tái nên dò hỏi. Biết được Phương ăn lá ngón nên đã chuyển ngay đến bệnh viện huyện rồi chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.
Theo BS Trần Đình Điệp, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Người bệnh nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, da xanh tái, tím môi và đầu chi, tim nhịp nhanh, tình trạng bệnh tiên lượng nặng.
Ngay lập tức người bệnh được hồi sức cấp cứu: hô hấp tuần hoàn, tiến hành rửa dạ dày loại trừ độc chất, truyền dịch và điều trị giải độc tích cực. Sau nhiều ngày điều trị người bệnh đã hồi phục, tỉnh táo.
Bác sĩ Điệp khuyến cáo, ngộ độc lá ngón cần được phát hiện sớm để tiến hành sơ cứu, cấp cứu khẩn trương và điều trị kịp thời. Vì người bệnh dễ tử vong sau 1-7 giờ ngộ độc.
Ngươi bị ngộ độc lá ngón thường có các dấu hiệu như khát nước, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn.. Sau đó mỏi cơ, thân nhiệt, huyết áp hạ, khó thở, đau bụng dữ dội, đồng tử giản và tử vong nhanh do ngừng hô hấp.
B.M