Một số điều cần biết về xét nghiệm HIV
Ngày đăng: 22/02/2019

HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Suy giảm miễn dịch có nghĩa là giảm dần sức chống đỡ của cơ thể khi bị ký sinh trùng, vi trùng hoặc virus tấn công và lúc đó cơ thể dễ mắc các bênh nhiễm trùng cơ hội và một số bệnh ung thư.

Nhiễm HIV lây truyền đường tình dục, truyền máu, mẹ sang con hoặc dùng chung bơm kim tiêm. Cách duy nhất để thực sự biết liệu ai đó có nhiễm HIV hay không là xét nghiệm. Hiện nay để phát hiện sớm HIV có thể thông qua hai loại xét nghiệm HIV: test nhanh và phương pháp miễn dịch.

1.Test nhanh sàng lọc HIV

Test nhanh có thể được thực hiện trực tiếp tại chỗ và cho kết quả trong 15 – 20 phút. Test nhanh thì độ nhạy rất cao. Tuy nhiên, test nhanh sẽ phản ứng với tất cả các thành phần có cấu trúc tương tự như HIV do đó sẽ xảy ra trường hợp phản ứng dương tính giả, tức là có người không bị nhiễm HIV nhưng vẫn cho kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Một số trường hợp có nguy cơ nhiễm HIV thì test nhanh có thể dương tính, tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định người đó đã nhiễm HIV. Bởi xét nghiệm này để sàng lọc chứ không khẳng định ai đó bị nhiễm HIV. Còn khẳng định thì phải ở các cấp độ xét nghiệm khác.  

Test nhanh sàng lọc HIV (hình minh họa)

Những đặc tính của sàng lọc test nhanh HIV như trên đã khiến không ít người bệnh rơi vào trạng thái hoảng loạn hoặc tuyệt vọng vì nghĩ mình bị HIV. Vì vậy, trong trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính với HIV, bác sỹ làm xét nghiệm sẽ tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân phải làm tiếp xét nghiệm khác có kết quả chính xác hơn. Cùng với đó, người bệnh có thể tìm hiểu kỹ những thông tin chính xác liên quan đến phương pháp sàng lọc mình lựa chọn để có thể yên tâm hơn.

2. Xét Nghiệm HIV test Elisa

Theo quy định của Bộ Y tế, để chẩn đoán nhiễm HIV cho người từ 18 tháng tuổi trở lên, xét nghiệm cần làm là tìm kháng thể kháng HIV. Kháng thể này là những chất được hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra khi bị nhiễm HIV và phải có thời gian mới có thể phát hiện được. Khoảng thời gian này thường là 4-6 tuần đến 3 tháng sau khi bị nhiễm HIV, được gọi là giai đoạn cửa sổ.

Nếu nghĩ rằng mình có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và đang trong thời kỳ cửa sổ, nên làm xét nghiệm lại để khẳng định chắc chắn tình trạng nhiễm HIV của mình. Hiện nay, nhân viên y tế có thể khuyến khích khách hàng làm lại xét nghiệm sau 4 đến 6 tuần nếu thấy kết quả âm tính hoặc dương tính còn mơ hồ.

Xét nghiệm HIV test Elisa là phương pháp được sử dụng nhiều nhất và thông dụng hiện nay. Xét nghiệm HIV bằng test Elisa có thể được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và các viện khu vực đã được Bộ Y tế cấp phép. Chỉ có những cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV thì các kết quả xét nghiệm này mới được công nhận.

Hiện nay, nhiễm HIV không còn là “bản án tử hình” như một số người vẫn nghĩ. Người nhiễm HIV/AIDS nếu được phát hiện sớm, chăm sóc sức khỏe và điều trị bằng thuốc kháng vi rút theo đúng phác đồ sẽ ít có biến chứng hơn và ít có khả năng lây nhiễm sang người khác hơn so với những người điều trị chậm trễ./.

B.M

Chia sẻ:

Đăng ký tư vấn

Vui lòng để lại thông tin của quý khách để được tư vấn

02553824555