Dậy thì sớm hiện đang là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm và có xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội. Việc phòng ngừa và điều trị dậy thì sớm kịp thời sẽ giúp trẻ tránh khỏi những ảnh hưởng không mong muốn về thể chất và tinh thần.
Dậy thì sớm là gì?
Tuổi dậy thì thường bắt đầu ở trẻ em gái ở độ tuổi từ 8 và 12 và ở các bé trai ở độ tuổi từ 9 và 14. Tuổi dậy thì sớm là bắt đầu trước 8 tuổi (đối với bé gái) và trước 9 tuổi (đối với bé trai).
Các dặc điểm dậy thì của trẻ gái: tăng kích thước tuyến vú, xuất hiện lông mu, lông nách, tăng kích thước bộ phận sinh dục, hành kinh, tăng trưởng nhanh về chiều cao. Các đặc điểm dậy thì của trẻ trai: xuất hiện lông mu, lông nách, vỡ giọng, tinh hoàn to, dương vật to, tăng trưởng nhanh về chiều cao.
Taị Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, từ năm 2019 đến nay đã tiếp nhận điều trị 7 ca dậy thì sớm. Trong đó, dậy thì sớm ở bé gái nhiều hơn bé trai. Theo BS. Phạm Thị Ngọc, Khoa Nhi Nội tổng hợp, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh chia sẻ: “ Dậy thì sớm không có nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên có sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố môi trường, nội tiết và di truyền. Một số nguyên nhân hiếm gặp khác như u não, tổn thương thần kinh do viêm nhiễm, phẫu thuật, chấn thương, xạ trị, bất thường não bẩm sinh, khối u ở buồng trứng…”
Dậy thì sớm đem đến nhiều hệ lụy cả về thể chất lẫn tinh thần ở trẻ. Những thay đổi trên cơ thể trẻ dậy thì sớm có thể làm trẻ thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc, đặc biệt là ở trẻ gái. Điều này có thể khiến bé tự ti, trầm cảm. Nguy hiểm hơn là sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. Trong khi suy nghĩ của trẻ còn quá non nớt vì nhỏ tuổi, khả năng khống chế kém nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Ngoài ra, dậy thì sớm khiến tuổi xương lớn hơn tuổi thực, lúc đầu trẻ có vẻ cao hơn so với các bạn cùng trang lứa nhưng chiều cao lúc trưởng thành sẽ bị hạn chế.
Phòng ngừa dậy thì sớm cho trẻ
Nếu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết ở trẻ em. Dậy thì sớm được phân làm nhiều loại và không phải tất cả các bé dậy thì sớm đều cần phải điều trị bằng thuốc. Tùy vào phân loại, bác sĩ sẽ có phác đồ theo dõi và điều trị phù hợp.
Một số biện pháp góp phần làm giảm nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ: “Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giàu rau củ quả, hạn chế thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, tránh các thực phẩm chứa hormon tăng trưởng, không để xảy ra tình trạng thừa cân, béo phì.Tăng cường vận động, khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30’ mỗi ngày. Khi cho trẻ sử dụng các sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục phải có chỉ định của bác sĩ” Bác sĩ Ngọc khuyến cáo./.
B.Minh