Đang là thời điểm mưa lạnh, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hơn nữa cơ thể phụ nữ mang thai thường có sức đề kháng yếu, nên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã tăng cường các biện pháp tư vấn sức khỏe cho phụ nữ tiền hôn nhân và trước sinh.
Tại Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh), hằng ngày có khoảng 30 - 50 phụ nữ đến khám bệnh, tư vấn sức khỏe trước khi sinh, kết hôn. Chị Nguyễn Thị Diệp, đến từ huyện Nghĩa Hành cho hay: Trước đây, tôi không biết gì về việc cần phải khám sức khỏe trước khi đến với hôn nhân. Nhưng kể từ ngày cán bộ y tế thôn,xã khuyến cáo, nên trước khi mang thai, tôi thường xuyên đến bệnh viện để khám sức khỏe, nghe bác sĩ phân tích, tư vấn cặn kẽ, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe.
Trước khi vào khám bệnh, chị Lương Thị Bích Thùy, ở TP.Quảng Ngãi đã rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế. Chị Thùy chia sẻ: Trước khi mang thai, tôi cũng tìm hiểu kiến thức để trang bị cho mình, nhưng trong thời điểm có dịch Covid-19, tôi thường xuyên đến bác sĩ khám, tư vấn để bản thân và con sau này được khỏe mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu, việc khám sức khỏe, tư vấn tiền hôn nhân, tư vấn trước khi mang bầu sẽ giảm bệnh tật cho mẹ và trẻ khá lớn. Theo thống kê của ngành chức năng, tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở Việt Nam ước chiếm khoảng 1,5 - 2% số trẻ sinh ra hằng năm. Với tỷ lệ này, mỗi năm có khoảng từ 22 - 30 nghìn trẻ có bệnh bẩm sinh, phổ biến nhất là các bệnh như: Down, suy giáp, tan máu bẩm sinh và các bệnh lý di truyền, dị tật khác. Ngoài ra, trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay, nếu sản phụ mang thai không may mắc Covid-19 sẽ rất̀ nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ mà đến cả thai nhi, làm cho suy thai hoặc thai lưu trong tử cung. Vì vậy, việc tư vấn tiền hôn nhân, sàng lọc sơ sinh trong thời điểm dịch Covid-19 còn tiềm ẩn là việc làm vô cùng quan trọng đối với phụ nữ.
Bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh - Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) tư vấn cho phụ nữ trước khi sinh
Bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh - Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) khuyến cáo: Ngoài việc khám bệnh trước sinh, thời điểm này, các sản phụ khi ra ngoài cộng đồng cần phải đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay sát khuẩn để đảm bảo sức khỏe. Đối với những cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn cần phải chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Trước khi lập gia đình, vợ chồng phải đi khám để được bác sĩ tư vấn về sức khỏe, kế hoạch sinh con. Nếu sức khỏe không đảm bảo, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp để chữa bệnh trước khi kết hôn, nhằm hạn chế tình trạng bé sinh ra không khỏe mạnh.
Thời gian khám bệnh, tư vấn trước khi kết hôn từ 3 - 6 tháng. Việc khám bệnh tiền hôn nhân sẽ giúp đôi trẻ biết cân nặng, chiều cao, khám tổng quát, siêu âm bụng, tim mạch, xét nghiệm máu... để phòng ngừa. Riêng đối với phụ nữ, ngoài việc khám sức khỏe, bác sĩ sẽ tư vấn về dinh dưỡng, kinh nguyệt, tử cung... Ngoài ra, trước khi có thai là thời điểm vàng để phụ nữ tiêm phòng các loại bệnh rubela, thủy đậu, cảm cúm, kiểm tra kháng thể với việc tiêm viêm gan B. Bên cạnh đó, trước khi kết hôn, mang thai, sản phụ nên đi khám để bác sĩ tư vấn các kiến thức cần thiết để em bé sinh ra đảm bảo sức khỏe, hạn chế rủi ro trẻ bị khuyết tật...
Bài, ảnh: PV