Da tiếp da là gì?
Da tiếp da (còn gọi là da kề da) đơn giản giống như tên gọi của nó: ôm trẻ sơ sinh không mặc quần áo trên ngực hoặc trên bụng trần của người mẹ.
Điều đầu tiên bé có thể cảm nhận khi mới ra đời là hơi ấm của người mẹ. Cho bé nằm trên người mẹ để bụng kề lên bụng hoặc kề lên ngực mẹ, bé sẽ cảm nhận mùi cơ thể mẹ, nhịp tim và hơi thở của mẹ; chắc chắn bé sẽ cảm thấy mình đang được an toàn và che chở.
Vì sao da tiếp da lại là việc làm quan trọng ngay sau khi sinh?
Ôm đứa con mới sinh trên tay lần đầu tiên là trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Mẹ có cảm giác tình yêu thương che chở đang tràn ngập khắp cơ thể. Thậm chí cảm giác đó thực sự giống như những dòng cảm xúc đang chảy trong tĩnh mạch, bởi vì tiếp xúc da tiếp da với bé làm kích thích nội tiết tố mạnh mẽ trong cơ thể người mẹ.
Mẹ và em bé sẽ được da tiếp da ngay sau sinh tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Dĩ nhiên không phải tất cả các bà mẹ đều có cảm nhận đó ngay lập tức, có thể mẹ đang mất sức sau sinh hoặc trải nghiệm khi sinh không như ý muốn. Nếu trường hợp đó có xảy ra thì hãy ôm đứa bé để cho da tiếp da với mẹ sẽ tạo cảm giác yêu thương gần gũi hơn. Khi mẹ chạm hay vuốt ve bé sẽ kích thích cơ thể mẹ giải phóng oxytocin, chất hóa học tạo cảm xúc tích cực tự nhiên (oxytocin còn là một loại hoocmon kích thích quá trình tiết sữa, tức là nếu mẹ da tiếp da với bé càng sớm thì sữa về càng nhanh và nhiều). Sự kích thích này không chỉ có ở người mẹ mà còn xảy ra tương tự khi người bố cũng tiếp xúc da tiếp da với bé.
Da tiếp da là cách tự nhiên để mẹ gắn kết với bé, nhất là những bé dễ tổn thương và cần sự quan tâm chăm sóc của mẹ để duy trì sự sống và phát triển. Tiếp xúc da tiếp da với đứa con của mình chắc chắn sẽ khiến các ông bố, bà mẹ cảm thấy tự tin hơn với thiên chức mới này.
Da tiếp da sau sinh cũng mang lại lợi ích cho em bé theo nhiều cách. Em bé đang từ nơi tối và ấm áp (trong bụng mẹ) ra một thế giới bên ngoài khác hoàn toàn với những thứ ánh sáng và âm thanh mới. Và thế giới ấy lạnh hơn, giống như trải nghiệm khi vừa bước ra từ bồn tắm nước ấm.
Bế bé để da tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh sẽ giúp giữ ấm cho bé. Bé có thể cảm nhận được nhịp tim của mẹ, chính là thứ âm thanh quen thuộc khi chúng còn trong bụng mẹ. Khi mẹ trò chuyện với bé, bé sẽ nhận ra tiếng nói của mẹ, và cũng dần quen với giọng nói của cả bố và mẹ. Những âm thanh này sẽ làm trấn an bé rằng bé đang được bảo vệ.
Hơn nữa, tiếp xúc da tiếp da với trẻ sơ sinh giúp cơ thể bé điều chỉnh hơi thở và nhịp tim, giữ lượng đường trong máu ở mức vừa phải. Điều này cũng giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch chống lại viêm nhiễm.
Đặc biệt, đối với trẻ sinh non cần chế độ chăm sóc đặc biệt, bên cạnh đó người mẹ nên tiếp xúc da kề da với con càng sớm càng tốt để giúp bé sớm ổn định thân nhiệt, ổn định hô hấp, bú mẹ tốt và phát triển nhanh hơn.
Khi cho trẻ tiếp xúc da tiếp da trên ngực mẹ, trẻ sẽ trải qua những giai đoạn sau:
Thư giãn cùng với việc lắng nghe nhịp tim của mẹ
Mở mắt và nhìn mẹ lần đầu
Chuyển động tay và miệng
Nhúc nhích trên ngực mẹ
Tìm kiếm ngực mẹ
Bú mẹ lần đầu
Về mặt chuyên môn phương pháp giúp cho bé : Tránh hạ thân nhiệt, suy hô hấp, trẻ nhận thêm được một lượng máu từ mẹ truyền sang, tăng thêm lượng sắt cho trẻ (~75mg Fe/kg), cung cấp sắt dự trữ trong 6-8 tháng, trẻ ít bị thiếu máu, giúp bé bú mẹ thuận lợi hơn, ngăn ngừa nhiễm khuẩn
Đối với mẹ: Phương pháp Da kề da giúp tử cung có hồi tốt, tránh băng huyết sau sanh, việc nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí, kéo dài thời gian vô kinh
Tiếp xúc da tiếp da với trẻ như thế nào?
Nếu mẹ làm việc này ngay sau khi sinh, người hộ sinh sẽ giúp làm khô người bé, đặt bé lên ngực trần của mẹ và lấy khăn khô sạch hoặc chăn cuốn quanh người bé. Nếu mẹ không mang mũ cho bé, người hộ sinh sẽ đội cho bé một chiếc mũ nhỏ. Hầu hết nhiệt lượng cơ thể bé sẽ giảm qua phần đầu, và việc giữ ấm giúp cho tiếp xúc da tiếp da giữa mẹ và bé ấm áp hơn, tạo cảm giác dễ chịu cho bé.
Chồng bạn có thể vào gặp bé khi bạn đã sinh, sẽ có loại quần áo riêng dành cho người nhà bệnh nhân. Khi đó, người hộ sinh sẽ hướng dẫn anh ấy cách bế bé. Nếu mẹ sinh mổ, người chồng cũng sẽ được phát một loại quần áo riêng để vào phòng mổ. Và nếu như chồng bạn chọn mặc loại cỡ to hơn thì có thể ôm em bé bên trong để sát với ngực trần.
Những giờ, những tuần và những tháng tiếp theo, bạn vẫn có thể thực hiện việc tiếp xúc da tiếp da với bé bất cứ khi nào, miễn là bé thích thú với điều đó. Cũng có thể thực hiện điều này để dỗ bé khi bé đói hay khó chịu.
Mẹ có thể nằm xuống và ôm bé nằm trên ngực mình nhưng phải đảm bảo là mẹ không ngủ quên. Hoặc mẹ ngồi bế bé và giữ bé ở tư thế thẳng áp sát ngực bé vào ngực mẹ, cuốn chăn mỏng ở phía lưng bé để giữ ấm. Hoặc nếu bạn có việc cần thiết phải làm thì có thể dùng địu để giữ bé sát bên mình.
Mẹ có thể cởi phanh áo khi cho con bú miễn là thấy thoải mái, không mặc áo ngực hoặc dùng loại áo ngực dành cho những bà mẹ cho con bú. Đến khoảng ngày thứ 3 sau sinh, bạn sẽ cần đến áo ngực vì khi đó sữa về nhiều và ngực bắt đầu nặng hơn.
Tiếp xúc da tiếp da có thể hữu ích với những mẹ và bé đang gặp rắc rối khi mẹ cho bé bú sữa, việc tiếp xúc này giúp quá trình đó trở nên dễ dàng hơn cho cả mẹ và bé. Theo bản năng, bé sẽ tìm ngực mẹ và bú dễ dàng hơn khi bé đã sẵn sàng, có thể sẽ phải nhiều lần như vậy bé mới quen với việc bú sữa.
Bố mẹ cũng có thể thực hiện tiếp xúc da tiếp da với bé khi cho bé bú bình, trải nghiệm gắn kết đó sẽ mang lại lợi ích cho cả bố mẹ và bé. Lợi ích đó cũng giống như khi cho bú sữa mẹ, nó giúp tạo lập các mối liên kết giữa bố mẹ và bé, bé cảm thấy an toàn hơn khi dần nhận biết được bố mẹ.
Tiếp tục tiếp xúc da tiếp da trong thời gian bao lâu là hợp lý?
Có thể tiếp tục việc tiếp xúc da tiếp da miễn là bé vẫn thấy thoải mái. Nếu bạn cho con bú sữa mẹ, bé cũng sẽ có những tiếp xúc trên da với mẹ. Dù sao thì để việc tiếp xúc này kéo dài trong bao lâu cũng tùy thuộc vào mong muốn của bạn.
Tiếp xúc da tiếp da sớm sẽ giúp bé gắn kết chặt chẽ với bạn. Khi đó, tình yêu thương và tin yêu giữa bạn và bé có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác như âu yếm, nắm tay, hay khi tắm cho bé.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ vẫn muốn làm những cử chỉ tiếp xúc da tiếp da với bé thì hãy cứ tiếp tục, bởi vì điều này rất có ích cho bé.
Tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ngay khi bé yêu chào đời, chúng tôi cũng khuyến khích cả cha lẫn mẹ của bé tiếp xúc da kề da với bé nhằm gia tăng mối liên hệ tình phụ tử – mẫu tử. Nhờ đó, bé có thể cảm nhận làn hơi ấm, sự yêu thương từ cha mẹ của mình, giúp bé tăng thêm sức đề kháng và khả năng phát triển.
Nguồn: Tổng hợp