ĐO ĐẬM ĐỘ XƯƠNG BẰNG TIA X (DEXA SCAN) |
(Dual Energy X-ray Absorptionmetry) |
Loãng xương là một bệnh xương rất thường gặp. Hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 200 triệu người bị loãng xương. Tại Việt nam, bệnh loãng xương đã vượt mức báo động, ước tính có hơn 2,8 triệu người. Loãng xương gặp ở cả hai giới, nhưng nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nam. Loãng xương có thể gây biến chứng nặng nề là gãy xương. Loãng xương không phải chỉ khu trú ở một vị trí nào mà đó là một bệnh lý toàn thân, có thể gây tổn thương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như: cột sống, cổ xương đùi, xương chậu, xương cổ tay… |
Hiện nay, việc phát hiện những người bị loãng xương hoặc có nguy cơ loãng xương đang được thực hiện rộng rãi nhờ các thiết bị thăm dò khối lượng xương. |
Năm 2000, Hội nghị quốc tế về loãng xương thống nhất quan điểm giá trị của các loại thiết bị đo loãng xương: máy đo loãng xương sử dụng siêu âm chỉ có giá trị sàng lọc, chỉ có máy sử dụng tia X năng lượng kép, được gọi là DEXA mới có giá trị chẩn đoán. |
1. Phương pháp DEXA: |
DEXA là phương pháp đo mật độ xương được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Kỹ thuật này chỉ cần liều chiếu tia ít hơn chụp X quang phổi. Độ chính xác của phương pháp 85% - 99%. Có hai kiểu máy đo đậm độ xương: |
- Máy DEXA trung tâm: là những thiết bị lớn có thể đo đậm độ xương toàn thân, cột sống, cổ xương đùi và xương chậu. |
- Máy DEXA ngoại biên: là những thiết bị nhỏ hơn, có thể di chuyển được, dùng để đo đậm độ xương ở ngoại vi như cổ tay, ngón tay và gót chân. |
2. Nguyên tắc hoạt động máy DEXA: |
DEXA scan dùng tia X năng lượng thấp. Một thiết bị chiếu tia từ hai nguồn khác nhau đi qua vùng xương cần đo đậm độ. Xương sẽ không cho một lượng xác định tia X đi qua. Đậm độ xương càng cao, tia X đi xuyên qua nó càng ít. Bằng cách dùng hai nguồn phát tia X sẽ cải thiện đáng kể độ chính xác trong đo đậm độ xương. Lượng tia X được phát ra từ hai nguồn khác nhau đi xuyên qua xương được đo bằng một đầu dò, những tín hiệu này được truyền đến một máy tính có thể tính được điểm trung bình của đậm độ xương. Điểm thấp có nghĩa đậm độ xương thấp hơn bình thường, một lượng chất khoáng của xương đã bị mất, vì vậy xương sẽ dễ bị gãy hơn. |
3. Kỹ thuật thực hiện DEXA: |
Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn và được yêu cầu nằm yên trong khi đầu dò tia X đến trên vùng cần đo đậm độ xương. Máy X quang sẽ phát tia hướng về phía đầu dò. Các xương được đo thông thường là cột sống thắt lưng, cổ xương đùi, khung chậu và xương cổ tay. Đây là những vùng xương dễ bị gãy nhất do loãng xương. Thời gian đo khoảng 5 – 10 phút, phụ thuộc vào phần xương nào được đo, và thiết bị sử dụng là thiết bị trung tâm hay ngoại biên. Bệnh nhân không cần bất kỳ chuẩn bị đặc biệt nào trước khi đo loãng xương. |
4. Chỉ định đo mật độ xương: |
- Bệnh nhân gãy xương sau chấn thương. |
- Giảm chiều cao do gãy, xệp đốt sống. |
- Sử dụng thuốc teroid từ 3 tháng trở lên. |
- Mãn kinh sớm (tuổi < 45). |
- Có những bệnh lý liên quan đến loãng xương như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lý đại tràng. |
- Tiền sử gia đình có người bị gãy xương do loãng xương. |
- Phụ nữ sau mãn kinh bị gãy xương. |
- Phụ nữ mãn kinh có tiền sử bệnh lý có thể gây loãng xương thứ phát (suy sinh dục kéo dài, cường giáp tiển triển không điều trị được, cường vỏ thượng thận và cường giáp tiên phát). |
- Những người có bất thường cột sống. Phát hiện trên X quang xẹp đốt sống không do các nguyên nhân khác (chấn thương hay u). |
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) < 19 (rất nhẹ cân). |
5. Chống chỉ định: |
- Phụ nữ có thai. |
- Bệnh nhân sử dụng các chất sau trong 7 ngày: thuốc cản quang chứa iode, baryt, đồng vị phóng xạ. |
6. Chẩn đoán: |
Sử dụng tiêu chuẩn của WHO dựa vào mật độ xương tính theo T - score để chẩn đoán loãng xương. T-score của một cá thể đó so với mật độ xương của nhóm người trẻ tuổi làm chuẩn. |
- Xương bình thường: T-score ≥ -1SD. |
- Mật độ xương thấp (osteopenia): -2,5SD < T – score < -1SD. |
- Loãng xương (osteoporosis): T – score ≤ –2,5SD |
- Loãng xương nặng: loãng xương kèm tiền sử hoặc hiện tại có gãy xương. |
Tại Việt Nam, rất nhiều bệnh nhân bị bệnh loãng xương chưa được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Chính vì vậy, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe xương là một vấn đề hết sức cần thiết và nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Việc phát hiện để phòng ngừa bệnh loãng xương là giải pháp giảm gánh nặng về Y tế cho Xã hội, đồng thời bảo đảm chất lượng cuộc sống cho mỗi người. |
Nguồn: Khoa CĐHA & TDCN - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi |